Nghe lại những ca khúc Việt nổi tiếng thập niên 90


Xin giới thiệu với các bạn một bài viết khá hay về thời kỳ thịnh hành trở lại của nhạc Việt những năm 90.

Khủng hoảng và bệ phóng

Những ai đã sống với ca nhạc ở Việt Nam những năm đầu thập niên 1990, hẳn còn nhớ “những ngày buồn” mà chúng tôi đã có dịp đề cập.

Sau thời kỳ sôi nổi của các ca khúc chính trị “em ở nông trường, em ra biên giới”, nhạc Việt rơi vào khủng hoảng, hàng loạt các ngôi sao ca nhạc thời này như Họa Mi, Thanh Lan, Ngọc Bích ở Sài Gòn, Ái Vân, Lệ Quyên ở miền Bắc… ra đi; thị trường ca nhạc trong nước tràn ngập nhạc ngoại lời Việt và nhạc xưa, nhạc vàng từ hải ngoại đưa về.

Ca sĩ Quang Linh – Thuở ban đầu

Nhưng khoảng thời gian khủng hoảng nói trên cũng là lúc những nỗ lực tìm kiếm sự thay đổi trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Năm 1993, LH các ban nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ nhất (và duy nhất cho tới hiện nay) được tổ chức tại Đà Nẵng, với BGK là các nhạc sĩ tên tuổi: Thanh Tùng, Dương Thụ, Nguyễn Cường… Ban nhạc Phương Đông với cặp Quốc Trung – Thanh Lam và một “bộ sậu” anh tài của nhạc nhẹ Hà Nội lúc bấy giờ gồm: Ngọc Quân (trống), Vũ Hà (bass), Lương Bình (lead guitar), Trần Mạnh Tuấn (saxophone) đăng quang tại cuộc thi này. Ban nhạc Hoa Sữa của nhạc sĩ Vũ Quang Trung ngoài việc giành vị trí thứ hai, còn có công đưa một tài năng trẻ – ca sĩ Mỹ Linh, khi ấy mới 17 tuổi, ra ánh sáng – với giải thưởng Ca sĩ trẻ gây ấn tượng. Còn Đen Trắng với linh hồn là Ngọc Lễ – Phương Thảo, giành vị trí thứ ba.

Phương Thảo & Ngọc Lễ – Cà phê một mình

Năm 1994 Hội nhạc sĩ tổ chức 4 đêm trình diễn Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, một sự kiện trình diễn ca khúc Việt Nam lớn nhất trong lịch sử của Hội, với sự góp mặt của hầu hết những ngôi sao nhạc nhẹ hàng đầu ở Việt Nam lúc đó: Lê Dung, Thanh Hoa, Quang Thọ, Ngọc Tân, Thanh Long Bass, Cẩm Vân, Bảo Yến, Thanh Lam,… Hơn cả thế, nhiều bài hát từng bị “dập vùi” trong quá khứ, vốn chỉ vang lên “lén lút” trong những không gian riêng tư trước đó, giờ chính thức được cất lên dưới “thánh đường” Nhà hát Lớn Hà Nội. Sáng tác của Cung Tiến, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên được dàn dựng công phu, “bình đẳng” bên cạnh Hòn vọng phu của Lê Thương, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi… Chỉ có một chút tiếc nuối: vào giờ chót, ca khúc Về miền Trung của nhạc sĩ Phạm Duy đã phải rút ra khỏi danh sách biểu diễn trong chương trình. Người nhạc sĩ có đời sống khá phức tạp cùng với kho tàng âm nhạc phong phú này phải đợi thêm nhiều năm nữa mới chính thức được “trở về”…

Ba con mèo – Mẹ yêu

Cũng năm 1994, báo Thanh niên tổ chức chương trình Duyên dáng Việt Nam (DDVN) lần đầu tiên, từ đây, DDVNbắt đầu trở thành một thương hiệu của sân khấu nhạc Việt, một bệ phóng mạnh mẽ cho những ca khúc và ngôi sao trong nước. Các chương trình DDVN được đầu tư 400-500 triệu đồng, với giá vé trên dưới 100.000 đồng – các con số “khủng” tại thời điểm đó – mà khán phòng Nhà hát Hòa Bình và Nhà hát Bến Thành luôn không còn chỗ trống. Còn tại Nhà văn hóa Thanh niên, không khí của LH các ban nhạc trẻ sôi động hơn bao giờ hết với các nhóm Đen Trắng, 3 con mèo, Da vàng… Phong trào này còn được nối dài sang Đêm trở – cuộc chơi của các ban nhạc sinh viên, tổ chức mỗi tháng một lần tại Nhà hát Bến Thành…

Hồng Nhung – Cho em một ngày

Song hành cùng DDVN, từ năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng thành phố, Nhà hát Hòa Bình bắt tay sản xuất những show ca nhạc lớn hàng năm, mở đầu bằng chương trình Tuổi 20. Ở chương trình này, Hồng Nhung đã buộc khán giả vỗ tay theo trong từng câu hát khi thể hiện lần đầu tiên ca khúc Cho em một ngày (Dương Thụ) với phần đệm guitar của Vĩnh Tâm – một không khí chưa từng có tại các nhà hát lúc bấy giờ! Ngay sau đêm trình diễn, từ Sài Gòn, ca sĩ Hồng Nhung lập tức điện thoại cho nhạc sĩ Dương Thụ (người đã mời Hồng Nhung lên sân khấu ca hát chuyên nghiệp lần đầu tiên khi cô mới 15 tuổi, vào năm 1985 khi ông dàn dựng chương trình Thả diều vào trời xanh cho Nhà hát Tuổi Trẻ), khi đó đang “ở ẩn” tại ngôi nhà nhỏ ở Từ Sơn (Bắc Ninh) vì cảm thấy bế tắc sau nhiều năm lăn lộn với đời sống ca nhạc ở TP.HCM, nói ông hãy vào Sài Gòn ngay…

Mỹ Linh – Hà Nội đêm trở gió

Một làn sóng bùng nổ bài hát Việt Nam tiếp tục ào lên trong năm 1996 với sự góp sức của các phim truyền hình dài tập – mở đầu cho xu hướng ca khúc nhạc phim, rồi phát triển lên thành “chơi sountrack” sau này, và sân chơi của giới học sinh, sinh viên trong chương trình SV của VTV3, phủ sóng cả nước với những Thì thầm mùa xuân, Chị tôi, Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội mùa vắng cơn mưa… Làn sóng “bài hát Hà Nội” bắt đầu nổi lên. TTBN Trẻ và hãng phim Trẻ, nhà sản xuất từng thắng lớn với series Mưa bụi trước đây, chuẩn bị cho ra mắt “kỷ lục album nhạc Việt” với Hà Nội mùa vắng cơn mưa, tập hợp hầu hết những bài hát hay đang được yêu thích lúc đó về Hà Nội.

1997: Bùng nổ

Tất cả những gì âm thầm và sôi động diễn ra trong 3 năm 1994-1996 chính là để chuẩn bị cho năm 1997 bùng nổ của showbiz Việt. Có thể liệt kê ra đây hàng loạt những sự kiện đáng ghi nhớ trong năm này như: Chương trìnhDDVN 5 với “hiện tượng” Mỹ Linh và ca khúc Trên đỉnh phù vân; ra mắt chương trình CLB Bạn yêu nhạc của Đài TNVN và VTV, sân chơi đã “phát hiện” ra ngôi sao Quang Linh với ca khúc Yêu nhau ghét nhau… Live show Top Hits lần đầu tiên tổ chức tại Nhà hát Bến Thành và sau đó “ra sân” ở NTĐ Phan Đình Phùng, chương trình có công phát hiện ra cặp đôi đẹp của sân khấu nhạc trẻ một thời: Thu Phương – Huy MC. Live show đi tour đầu tiên của ngôi sao nhạc nhẹ Thanh Lam (Cho em một ngày) diễn ra vào tháng 11/1997 tại ba thành phố: TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, chính thức “khai trương” sân khấu Lan Anh, sau này trở thành một trong những sân khấu nhạc trẻ hàng đầu không chỉ ở TP.HCM. Ca sĩ Hồng Nhung cũng thực hiện tour diễn đầu tiên của mình (Hồng Nhung và Bống bồng ơi) vào tháng 12/1997 tại TP.HCM và Hà Nội…

Thu Phương – Dòng sông lơ đãng

Nhưng một sự kiện quan trọng và đáng nói hơn cả trong năm 1997, chính là sự ra đời của Top ten Làn sóng xanhvới sức mạnh khuynh loát thị trường ca nhạc trong nhiều năm sau đó. Nếu Vietnam Idol 2010 và “hiện tượng” Uyên Linh được xem như người “rút ngòi nổ” cho (tạm gọi) chu kỳ mới của showbiz Việt vào cuối năm 2010, thìLàn sóng xanh – bảng xếp hạng bài hát Việt đầu tiên thành công với hàng loạt các “hiện tượng” ngôi sao Làn sóng xanh chính là người thổi bùng lên cơn gió mạnh của nhạc Việt những năm 1997-2002. Tuy nhiên không nhiều người biết rằng, thực ra, có một Top ten bài hát Việt ra đời trước cả Làn sóng xanh.

Đan Trường & Cẩm Ly – Đêm cô đơn

Đó là vào tháng 3/1997, khi báo TT&VH mở Trang âm nhạc trong tháng số đầu tiên (số 800, ra ngày thứ Bảy, 8/3/1997), sau này trở thành một trong những chuyên mục được nhiều bạn đọc yêu mến, khởi nguồn cho giải thưởng âm nhạc Cống hiến vào năm 1994. Ngay từ ngày ấy, Ban Biên tập TT&VH đã “bắt tay” cùng VTV3 để xây dựng chương trình Bình chọn Top ten ca nhạc và gương mặt tiêu biểu trong năm…

Bằng Kiều – Một ngày mùa đông

Rất tiếc, ý tưởng ấy đã không tới đích. Ý tưởng lớn vượt thực tế hay những người khơi mào cho một dòng chảy mới không thể “khơi thông” được những dòng suy nghĩ cũ, như tại sao lại tôn vinh những bài hát chỉ do công chúng bình chọn? Tại sao Top ten lại không có những bài hát truyền thống?… Chữ “Top ten” cũng bị xóa sổ.

Nhưng 5 tháng sau ngày khai sinh hụt Top ten Bài hát Việt Nam, tại TP.HCM, ngày 7/9, studio chương trình ca nhạc phát trên sóng tần ngắn FM 99,9 của Đài TNND TP.HCM, đã phát đi chương trình Top ten Làn sóng xanhđầu tiên, từ ý tưởng muốn đổi mới hình thức mô hình “ca nhạc theo yêu cầu” bấy giờ khá phổ biến trên các đài phát thanh. Sau chương trình đầu tiên ngày 7/9 đã có thư khán giả gửi về bình chọn và bảng xếp tháng 9/1997 được công bố trong chương trình Làn sóng xanh ngày 5/10. Đây là bảng xếp hạng đầu tiên của Làn sóng xanh và cũng là bảng xếp hạng bài hát đầu tiên của showbiz Việt.

Phương Thanh – Một thời đã xa

Dẫn đầu bảng xếp hạng đầu tiên này là ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trọng Đài, do Mỹ Linh thể hiện, phát hành trong album Hà Nội mùa vắng cơn mưa của Trung tâm băng nhạc Trẻ. Cũng trong album này – một kỷ lục chưa có người phá vỡ của làng sản xuất âm nhạc Việt Nam với hơn 150.000 bản, có thêm ca khúc Hà Nội mùa vắng cơn mưa, sáng tác của Trương Quý Hải và Bùi Thanh Tuấn, do Cẩm Vân trình bày, xếp vị trí thứ ba. Còn vị trí thứ hai thuộc về cặp đôi Phương Thảo – Ngọc Lễ với ca khúc Con gái, nằm trong album Cà phê một mình do Vafaco sản xuất… Và chỉ một tháng sau, trong bảng Top ten Làn sóng xanh tháng 10/1997, mọi thứ tự đã bị đảo lộn: Đóa hoa vô thường (Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung – album cùng tên của Trung tâm băng nhạc Trẻ) bất ngờ chiếm vị trí hạng nhất, đẩy Chị tôi xuống vị trí thứ tư, trong khi Hà Nội mùa vắng cơn mưa nhảy lên một bậc, xếp vị trí thứ hai…

Hà Nội mùa vắng những cơn mưa – Cẩm Vân

Theo thethaovanhoa.vn, Youtube.

Xem thêm:

+ Nghe 3 ca khúc đứng đầu Zing top song

+ Xem MV mới: Nếu như anh đến của Văn Mai Hương

+ Video Không gian âm nhạc số 4 | Ngọc Anh & Anh Khang

+ Nhìn lại giải thưởng Zing Music Awards 2010

+ Nghe Album Xót xa của Đàm vĩnh Hưng

+ Nghe thử Album Tóc ngắn Acoustic – Một ngày của Mỹ Linh

+ Video David Archuleta – Á quân American Idol 2008 biểu diễn tại Việt Nam

+ Video Chung kết Tiếng ca học đường 2011

+ Video liveshow Bước chân miền Trung | Mr.Đàm by night 5

+ Video Lê Cát Trọng Lý mộc mạc và ấn tượng trong Bài Hát Việt tháng 7

Tu khoa:  video dau an nhac viet | video lan song xanh | nhung ca khuc hay nhac viet | nhưng bai hat hay ve ha noi | bai hat nhieu nguoi yeu thich | nhung ca khuc hay cua mot thoi | nghe nhung ca khuc hay lan song xanh | top hit cua ca si viet nam | nhac viet thinh hanh thap ky 90

1 bình luận về “Nghe lại những ca khúc Việt nổi tiếng thập niên 90

Add yours

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑